Sự tích con Tắc Kè trong hang và Vượn trên núi
Sự tích con Tắc Kè trong hang và Vượn trên núi là truyện cổ tích của dân tộc Thái, châm biếm kẻ cố tình mạo nhận ưu điểm mà mình không có và đề cao những người có tài, có đức khiêm tốn, có công rèn luyện.
Truyện còn nhằm giải thích theo kiểu dân gian cách cư trú của loài tắc kè và loài vượn.
Vào một buổi sáng tháng năm nắng đẹp, Pọ Pha (ông Trời) nghe ở dưới trần gian có tiếng con gì hót rất hay. Tiếng hót lúc thì êm, mượt mà, tình tứ, lúc thì vấn vít như đang nô giỡn bay bổng. Tiếng hót ấy có thể vượt qua đỉnh núi, quấn quyện trong thung lũng, âm vang trong các vách đá. “Ai mà có giọng hót dễ ưa đến như thế?”. – Pọ Phạ liền truyền cho gọi tất cả muông thú ở dưới trần gian lên hỏi.
– Ta vừa nghe một giọng hót rất hay. Ai mà có giọng hót hay như thế, các ngươi có thể nói cho ta biết được không?
– Chính con ạ!
Trong lúc muôn loài đang xôn xao nhìn nhau chưa ai dám nhận thì Tắc Kè[1] đã lên tiếng. Sợ Pọ Phạ chưa nghe rõ, Tắc Kè rối rít[2] nhắc lại:
– Chính con ạ! Chính con ạ!
Pọ Phạ bây giờ mới nhận ra người lên tiếng đầu tiên là Tắc Kè. Chà chà đến Tắc Kè mà cũng có giọng hót hay như thế chăng? Muôn loài, muôn thú đổ dồn mắt nhìn Tắc Kè.
– Vậy thì nhà ngươi thử hót cho ta nghe đi!
Pọ Pha và muôn loài, muôn thú chờ đợi.
– Tắc kè!… Tắc kè…! Tắc kè…!
Kêu xong Tắc Kè nói: “Đó là con e hèm …ạ!”
Trong muôn loài, muôn thú có kẻ không nhịn được, bịt mồm cười.
– Hót nữa xem nào? – Pọ Pha lại giục.
– Tắc kè!
– Đúng là giọng mày chỉ có thế! – Pọ Phạ tức giận quát – Thế mà cũng đòi kêu trước mọi người.
– Cho con kêu một lần nữa ạ. – Tắc Kè ngu xuẩn vẫn chưa chịu thôi.
– Tắc … lần này vừa nghe Tắc Kè lên tiếng, Pọ Pha liền giơ chân đạp lên lưng hắn làm cho tiếng “k”” thành ra tiếng “ị” (Tắc ị…!)
– Đồ hỗn xược xéo đi cho rảnh – Pọ Phạ quát. Tắc Kè sợ quá, chạy về trần gian, trốn biệt trong hang đá mà vẫn cứ sợ Pọ Pha sai sét đánh chết.
– Trong các người kẻ nào hót hay nhất, có ai biết không? Pọ Pha lại tiếng tục hỏi.
– Thưa Pọ Pha – Loài khỉ lên tiếng – chúng con là loài leo trên cây. Trong loài chúng con thì Vượn hót hay nhất ạ!
– Vượn đâu? – Pọ Phạ hỏi – hót cho ta nghe đi!
Đến bây giờ Vượn[3] mới từ trong đám đông xuất hiện lễ phép chào Pọ Phạ. Đây là một con vượn cái, đang tuổi xuân lông mượt, thân thể uyển chuyển[3].
Vượn từ tốn thưa:
– Thưa Pọ Pha, con trộm nghĩ, tiếng hót của chúng con chỉ nghe được ở dưới trần gian. Nay Pọ Phạ gọi đến, con cũng xin hót cho Pọ Phạ nghe tạm vậy.
Vượn bắt đầu hót.
Pọ Pha và muôn loài, muôn thú lắng nghe. Đầu tiên Pọ Pha mỉm cười, rồi vuốt râu, sau là lim dim đôi mắt và ngồi im phăng phắc.
Khi tiếng Vượn hót vừa dứt, Pọ Phạ như vừa tỉnh giấc mộng. Ông nói lớn:
– Đúng rồi! Đúng tiếng hót này ta đã được nghe! Đúng rồi, lại đây con !
Một lúc sau, Pọ Pha mới hỏi:
– Con làm sao mà có giọng hót hay đến như vậy?
– Thưa Pọ Phạ, chúng con là loài sống trên cây, chúng con luôn luyện giọng hót của mình cho vang được xa, vọng được rõ, gần thì nghe không chói tai, xa thì vẫn êm tai. Giọng hót của con luyện từ nhỏ nên mới được như vậy.
– À ra thế, hay hay thật!
Pọ Phạ hết lời khen ngợi Vượn, muôn loài, muôn thú vui mừng, thấy Vượn – một loài vật dưới trần gian – đã có tiếng hót hay làm Pọ Pha rất vừa lòng và cùng nhau rước Vượn về trần gian. Từ đó Vượn được sống trên núi cao, để tiếng hót của Vượn bay cao, vang xa mãi