Sự tích sông Cửu Long
1. Hai vị thần khổng lồ
Cửu Long có nhiều tên, trong đó một tên rất quen thuộc với Việt Nam cũng như trên thế giới là sông Công. Công, tiếng Lào Thái có nghĩa là “chờ”. Tại sao lại gọi sông Chờ? Có một sự tích lí thú kể ra như sau:
Vào một thời xa lắc xa lơ có hai vị thần khổng lồ [1]. Cả hai đều có tấm thân vĩ đại, sức lực rất khoẻ, có thể dời núi lấp biển chỉ trong khoảnh khắc. Tuy vậy mỗi thần lại kiếm ăn bằng một nghề khác nhau, do đó tính nết cũng không giống nhau. Một bên thường ngày len lỏi núi rừng săn bắt thú vật; còn một bên thì ngồi một chỗ làm nghề câu. Một bên tính nóng nảy nhưng chân thật; còn một bên thì điềm đạm nhưng hay tính toán. Hai vị thần này chơi với nhau thân thiết. Mỗi lần bên này săn được mồi ngon hay bên kia câu được cá béo, thường đem biếu nhau hoặc mời nhau ăn uống vui vẻ.
Một hôm, chẳng hiểu vì sao giữa hai thần lại nổ ra một cuộc tranh cãi gay go. Suốt mấy ngày liền chẳng ai chịu nghe ai. Cuối cùng họ đi tìm trọng tài để nhờ phân xử. Gặp một thiên thần [2], cả hai bên đến trình bày đầu đuôi. Nghe xong câu chuyện của họ, vị thiên thần bảo:
– Chuyện này thật là khó xử. Thôi, bây giờ ta tạm giải quyết bằng cách thế này. Cả hai hãy làm một cuộc chạy đua, ai đến đích trước thì coi như người đó thắng cuộc. Hai vị có bằng lòng chăng?
2. Sự tích sông Cửu Long
Thấy cả hai đều gật đầu, thiên thần bèn dẫn họ đến một nơi cao ráo làm điểm xuất phát, giao hẹn rằng sau khi nghe một tiếng trống, hai bên phải chạy đúng hướng về góc đông nam, lấy biển làm đích.
“Thùng” tiếng trống lệnh vang lên. Hai cặp giò khổng lồ bắt đầu cất bước. Nhưng đoạn đường mở đầu này lại đầy hiểm trở. Khắp nơi núi non dựng đứng như bức trường thành hết lớp này đến lớp khác, muốn chạy cho nhanh đâu phải là dễ.
Thần Săn vốn quen leo đồi vượt dốc nên chạy miết bất kể trở lực. Còn Thần Câu tỏ ra ngần ngại : “Dại gì leo trèo cho mệt. Ta cứ chạy theo thế núi, tuy có quanh co một chút nhưng đỡ mất công lên lên xuống xuống, đã nhọc lại lâu”. Nghĩ sao làm vậy. Nhưng Thần đâu có ngờ rằng trong khi mình còn loanh quanh giữa những dãy núi trập trùng, thì đối phương cứ cắm cổ phóng tới, đạp bằng mọi bên, vọt qua các vực. Chẳng bao lâu, Thần Săn đã bước đến cánh đồng bát ngát và bằng phẳng. Thần bèn ngồi lại nghỉ vì quá mệt. Thần Câu men theo chân núi chạy hoài, hồi lâu thấy sốt ruột, mới bay vọt lên cao để tìm. Khi thấy Thần Săn đã sắp tới đích, Thần Câu rất lo, vội đáp xuống chạy rẽ về phía tây nam cho mau đến bờ biển gần nhất. Nhưng cũng muộn mất rồi. Thần Săn sau khi xả hơi, vội làm một mạch đến đích và được thiên thần cồng nhận thắng cuộc.
Ngày nay con đường Thần Săn chạy, đá văng đất lún, trở thành dòng sông. Dòng sông này thường thẳng nhưng đặc biệt có nhiều ghềnh thác. Chỗ Thần Săn ngồi lại nghỉ nay là Biển Hồ [3]. Còn con đường mà Thần Câu chạy thì không được liên tục. Một đoạn của nó cũng thành dòng sông, dòng sông này chảy hiền từ, ít ghềnh thác nhưng đặc biệt có lắm khúc quanh co. Vì Thần Câu đến đích chậm nên con sông ấy cũng có tên là sông Chậm. Còn Thần Săn đến trước phải đợi chờ nên người ta cũng gọi con sông ấy là sông Chờ. Người ta còn nói vì Thần đi đi lại lại chờ đợi nên chỗ ấy trở thành chín cửa sông như chín con rồng, vì thế còn có tên là Cửu Long.