Truyện cổ tích Nga: Con ngựa mù
1. Chú ngựa Truy phong
Ngày xưa lâu lắm rồi, trên đất nước Nga có một thành phố buôn bán sầm uất ở gần cửa biển. Ở thành phố ấy có một thương nhân rất giàu có. Thuyền ông ta chở hàng đi khắp bốn biển năm châu nên ông ta thu được nhiều bạc vàng, mua sắm được nhiều vật quý. Nhưng quý nhất là con ngựa, một con ngựa tuyệt vời, chạy nhanh như gió, ông ta đặt tên nó là Truy phong. Trừ ông ta, chẳng ai dám cưới và ông ta cũng chỉ thích cưỡi con ngựa ấy mà thôi!
2. Con Truy phong cứu chủ
Một hôm, ông ta cưỡi con Truy phong đi đâu về, phải qua một cánh rừng. Trời đã tối. Cánh rừng âm u, xung quanh vắng lặng, chỉ nghe tiếng gió rì rào trên ngọn cây. Đường còn xa, con ngựa đã thấm mệt, ông ta cho nó đi nước kiệu.
Bỗng, sau gã, mặt hung dữ, từ trong bóng cây nhảy ra, giật lấy dây cương con Truy phong. Không phải con ngựa quý ấy, có lẽ ông ta không bao giờ còn nhìn thấy thành phố quê hương của mình nữa! Con Truy phong lồng lên, đưa ngực ẩy hai tên cướp ngã dụi, giẫm lên thằng thứ ba, rồi phi nước đại, bụng sát đất, vút đi như cơn lốc. Những tên còn lại nhảy lên ngựa đuổi theo. Nhưng đuổi sao kịp con Truy phong!
Nửa giờ sau, nó đã về đến thành phố. Thương nhân thoát nạn, mừng rỡ, nhảy xuống vuốt ve con ngựa quý, bấy giờ đã mệt lả, bọt mép chảy ròng ròng. Thấy mà thương, ông ta thề sẽ nuôi dưỡng nó đến già, không bán cho ai bằng bất cứ giá nào!
3. Con ngựa mù bị bạc đãi
Sau chuyến đó, con Truy phong ốm, quỵ dần, chân yếu hẳn, hai con mắt trắng dã. Nó mù rồi! Chủ nó buồn. Nhưng ông ta vẫn nhớ lời thề. Có điều nhớ lời thề là một chuyện, mà thực hiện lời thề lại là chuyện khác! Được sáu tháng, ông ta mua một con ngựa mới, tuy không bằng con Truy phong, nhưng cũng là ngựa tốt. Một cái chuồng mà nhốt hai con ngựa thì không ổn, ông ta đành phải cột con Truy phong ra ngoài, dành chỗ cho con ngựa mới.
Sáu tháng nữa, ông ta nhận thấy con ngựa mù không còn được việc gì, mà cũng mỗi ngày ăn hai đấu thóc như con kia thì không công bằng. Chỉ nên cho mỗi ngày một đấu, dành phần cho con kia ăn lấy sức. Càng nghĩa, ông ta càng thấy mình phải. Cuối cùng, ông ta quên hẳn những lời mình thề thốt. Mỗi ngày một đấu thóc, vẫn còn tốn, chi bằng thả nó ra, nó đi đâu thì đi, mình không tự tay giết nó là được rồi!
Con Truy phong không còn biết đi đâu, cũng chẳng thấy đường mà đi. Thả ra, nó đứng một hồi trước cổng, đầu gục xuống, tai vẫy vẫy xua muỗi. Trời tối. Tuyết xuống. Con vật tội nghiệp, bụng đói, phải mò đi kiếm cái ăn. Nó bước từng bước một, thỉnh thoảng ngửng đầu lên đánh hơi xem có nắm cỏ, nắm rơm nào chăng, đâm vào bụi rậm không biết bao nhiêu lần!
Thuở ấy, nhiều thành phố của Nga không phải do một vị hoàng tử nào cai quản, mà người dân tự cai quản lấy, tự quyết định những việc hệ trọng. Cho nên giữa quảng trường có treo một quả chuông trên cái chòi tranh. Ai có điều oan khuất thì đến đó kéo chuông, người dân sẽ tụ tập lại mà xử. Con ngựa mù ấy vô tình đến đây, vấp phải chòi tranh, định rút một nắm tranh ăn đỡ đói. Không ngờ, ngậm phải sợi dây chuông, nó giật giật. Tiếng chuông vang lên.
4. Người dân đòi công lý cho con ngựa mù
Nghe tiếng chuông đổ hồi, mọi người kéo nhau ra. Người dân chẳng ai lạ gì con Truy phong, họ còn biết chuyện nó cứu chủ như thế nào, những lời chủ thề thốt với nó ra sao. Bây giờ, họ rất đỗi ngạc nhiên thấy nó giữa quảng trường, mắt mù, bụng lép kẹp, mình đầy tuyết, đang run lẩy bẩy. Mọi người hiểu ngay, liền cho đòi chủ nó ra trước tòa. Ông ta viện hết cớ này có nọ nhưng người dân không tha thứ cho một con người bội bạc như thế, bắt ông ta phải tôn trọng lời thề, nuôi dưỡng con Truy phong cho đến ngày nó chết. Quyết định được khắc vào tấm đá đặt trước quảng trường, ông ta không trốn tránh được nữa.