Truyện dân gian: Nàng bò tót
Ngày xửa ngày xưa, hai bà cháu anh mồ côi ra đặt bẫy ở một cánh rừng, giết được một con bò tót. Họ làm thịt con bò chia cho bà con dân bản, chỉ giữ lại một đùi phần mình.
Năm ngày qua đi, hai bà cháu đã ăn hết phần thịt, chỉ còn lại cái chân, anh mồ côi gác lên sàn bếp.
Một hôm, hai bà cháu đi làm về, thấy sàn nhà sạch sẽ, bếp lò đỏ than, giữa sạp sàn bày một rá cơm với một nồi canh.
Thấy lạ, nhưng vì đói bụng, hai bà cháu đánh liều cùng ngồi ăn. Ăn xong cả hai người đều lo lắng vì sợ cơm ma. Đêm đó họ không sao ngủ được. Sáng hôm sau thấy trong người vẫn bình thường khỏe khoắn, họ yên lòng mang gùi xách dao lên rẫy như mọi ngày.
Chiều về, hai bà cháu lại thấy cơm canh đã được ai dọn sẵn như hôm qua. Đang đói bụng, họ lại ngồi vào ăn. Tuy ăn cơm lạ mà bọn họ vẫn không hết nghi ngờ.
Hôm sau, ra rẫy, hai bà cháu vừa phát cây vừa nói về mâm cơm lạ. Anh mồ côi nói:
– Bà ơi! Có ai mà lại cứ đến quét dọn cho nhà ta, nấu cơm, nấu nước cho bà cháu ta mãi thế?
Bà lo lắng trả lời:
– Ăn của con ma thì phải chết theo con ma thôi, cháu ơi!
Rồi hai bà cháu bàn nhau tìm xem ai là người đã làm việc đó. Sáng hôm sau, vừa thức dậy, anh mồ côi nói to:
– Bà ơi! Việc nương rẫy đã xong, còn ít cây con chưa dọn hết, bà ở nhà làm hết, cháu phải sang bản Cà Lơ xin ít muối và gạo nhé!
Bà soạn gùi, xách giỏ nứa ra sàn ngoài cho cháu, dặn:
– Cháu đi nhanh chân, chóng về kẻo bà nhớ, bếp lửa trông!
Anh mồ côi hẹn:
– Cháu đi hai lần mặt trời dậy, hai lần mặt trời ngủ mới về.
Bà cầm dao, mang giỏ lên nương. Anh mồ côi mang gùi, đeo giỏ, tách rừng đi về phía mặt trời mọc.
Đi được một quãng ngắn, anh mồ côi rẽ vào lối rậm, đạp tắt đường rừng, quay về nấp sau mô đá cao cạnh nhà mình. Từ chỗ đó, anh thấy rõ hết những gì xảy ra trên sạp, ngoài sàn nhà mình.
Anh ngạc nhiên sửng sốt khi thấy một cô gái đẹp từ đâu hiện ra dọn sàn trong sàn ngoài, rồi vác ống tre xuống suối lấy nước, lại lên nhóm lửa bếp nấu cơm, làm canh.
Khi đã dọn đầy đủ cơm nước ra cạnh bếp, cô gái xõa tóc ra hong nắng ở cửa ngách sàn ngoài. Ngắm nhìn cô gái đẹp nằm dài trên sạp sàn nhà mình, anh mồ côi vừa mừng vừa lo.
Rồi anh lẹ làng men đến nắm lấy mớ tóc dài của cô gái, vấn ba vòng, bảy vòng vào tay mình rồi mới lên tiếng:
– Ta bắt được kẻ xấu vào nhà ta rồi!
Cô gái giật mình, toan vùng dậy lẩn trốn nhưng đầu không cựa nổi, đành vật vã trên sàn kêu lên:
– Anh buông tôi ra! Tôi là người trong nhà đây mà!
Anh mồ côi thấy thân hình cô gái mềm mại, khuôn mặt hiền dịu thì có ý thương, nên tháo dần ra một vòng tóc và hỏi:
– Ta có thù oán gì với ai mà cô toan bỏ thuốc độc giết bà cháu ta?
Cô gái lắc đầu hỏi lại:
– Tôi là người trong nhà, anh không nhận ra sao?
– Cô đừng giấu quanh nữa. Cô ở đâu đến đây? Nếu cô nói dối thì tôi sẽ giết chết cô!
Cô gái run run nói:
– Anh có của mà không biết của đấy. Tôi là cái chân bò tót mà. Anh không ăn tôi nên tôi đến để trả ơn anh.
Anh mồ côi nhìn lên sàn bếp thấy mất chân bò tót thì có phần tin, nên buông lỏng thêm một vòng tóc nữa và hỏi:
– Cô trả ơn tôi cho đến bao giờ?
Cô gái lưỡng lự một lúc rồi trả lời:
– Tùy anh thôi!
– Ồ, thế thì cô làm vợ làm chồng với tôi nhé! Nhà tôi nghèo, cô có ưng không?
Cô gái e thẹn trả lời:
– Làm vợ làm chồng thì phải theo phép của Giàng chứ!
Anh mồ côi buồn bã nói:
– Tôi nghèo, bà tôi nghèo, bạc nén không có, nồi đồng, chiêng núm, chiêng bằng cũng không có. Nhà mình rỗng như chiếc nồi úp miệng xuống đất thì lấy gì của bỏ, lấy gì làm lễ cưới?
Cô gái bảo:
– Giàng cho ta làm vợ làm chồng thì một lễ nhỏ cũng thành. Anh nấu một nồi cơm, vắt đủ tám nắm, luộc một quả trứng cắt ra làm tám miếng để lễ Giàng và ma hai nhà. Lúc lễ, anh ngồi trong nhà, em ngồi ngoài sân. Nếu anh ném đúng vào tay em cả tám nắm cơm, anh lại ngửa tay hứng đủ tám miếng trứng em tung vào, không có miếng trứng, miếng cơm nào rơi xuống đất là ý Giàng thuận cho ta làm vợ làm chồng. Nếu Giàng không cho thì em xuống thang đi luôn.
Anh mồ côi lo lắng, vội đi nấu cơm, luộc trứng để làm lễ cúng Giàng.
Vào lễ, anh đã tung được cả tám nắm cơm vào tay cô gái và húng đủ cả tám miếng trứng, không để rơi lại một miếng nào. Cô gái đem cả tám nắm cơm lại thành một nắm to và trao lại cho anh mồ côi.
Hai người đã nên vợ chồng.
Bà đi làm rẫy về thấy cháu mình đang ngồi nói chuyện vui vẻ với một cô gái xinh đẹp ở trên sạp sàn thì lạ lắm. Bà chưa kịp hỏi, anh mồ côi đã kể hết ngọn nguồn cho bà nghe. Bà cháu vui mừng khôn xiết.
Bà cháu sống với nhau rất hòa thuận. Họ chung sức làm được một rẫy lúa to.
Lúa rẫy anh mồ côi chín sớm hơn mọi rẫy khác nên bị bò tót kéo đến phá phách mất nhiều. Anh đã mang ná đi rình nhiều đêm nhưng chưa bắn được một con nào cả.
Người vợ hết mực siêng năng, chăm chỉ công việc ruộng nương, bếp núc. Mỗi lần nấu nướng, chị ta thường giữ kĩ nắm vung trên nồi, không cho ai sờ tay vào. Khi nào bà thấy cháu quá bận rộn, vào làm giúp thì chị ta dặn:
– Bà không được mở vung làm sống cơm bà nhé!
Bấy lâu thấy cháu vẫn giữ kĩ vung nồi, bà lấy làm lạ lắm. Nhân lúc cháu vác ống tre đi múc nước ở suối, bà liền mở vung, hé mắt nhìn vào nồi cơm đang sôi thì lạ thay: một nửa nồi đã thành cơm, còn nửa kia là một nắm thóc vàng.
Đoán ra được cơ sự, bà đậy vung nồi cơm lẩm bẩm một mình:
– Bấy lâu ta tưởng bò tót ăn mất lúa rẫy, hóa ra cháu ta cắt về nấu cơm cho cả nhà cùng ăn. Nó là giống bò tót mà lại!
Biết chuyện, bà càng thương cháu dâu nhưng không kể lại chuyện cho chàng mồ côi biết. Ít lâu sau, bà già qua đời. Vợ chồng anh mồ côi đã sinh được hai đứa con xinh đẹp.
Một hôm, có đàn bò tót đạp rào vào phá ngô ở nương nhà anh. Anh mồ côi lấy ná ra toan bắn thì vợ ngăn lại, van xin:
– Anh ơi, sao anh nỡ bắn họ hàng nhà em?
Đang xót ruột vì nương ngô bị phá, anh chồng gắt:
– Thấy đàn bò ác lại nhận là bà con chú bác là nghĩa làm sao? Nó phá hết ngô, lấy gì cho con ăn?
Người vợ khóc lóc bảo:
– Cây một gốc, nước một nguồn, có phải bà con em mới nhận chứ đâu có nhận quàng. Anh không cho ăn thì ra đuổi đi!
Anh mồ côi vẫn chưa nuôi cơn giận, quát to:
– Đuổi được nó à? Nó húc cho thủng ruột ra ấy chứ? Ừ, bà con cô thì cô ra mời họ ra khỏi rẫy nhà tôi đi!
Người vợ nghe thấy thế giận tím mặt. Chị gạt nước mắt, ôm cả hai con chạy thẳng ra phía đàn bò ở bên rẫy.
Anh chồng thấy thế biết mình quá lời, hoảng hốt lo lắng cho vợ con, vội buông ná gọi to:
– Em ơi, lui lại! Bò giết mất em với các con đấy!
Người vợ vẫn cắm đầu chạy. Anh mồ côi giơ cả hai tay lên trời chới với như người sắp chết chìm, miệng lắp bắp kêu tên vợ, tên con.
Người vợ ẵm hai đứa con lao thẳng vào giữa đàn bò và cũng biến thành một con bò mẹ với hai con bê con. Ba mẹ con bò chạy húc vào lưng, vào cổ, vào bụng những con bò khác trong đàn. Cả đàn bò tót vểnh cổ, cong đuôi chạy lao mất vào rừng sâu.
Anh mồ côi bỗng nhiên mất vợ, mất con, càng ăn năn với cơn nóng giận của mình. Anh khóc rống lên. Tiếng khóc u buồn của anh đến cây rừng nghe cũng rũ lá, vượn nghe cũng khóc theo, chim chóc nghe thì ngừng tiếng hót.
Khi khóc đã khô nước mắt, anh mồ côi lập bàn thờ cúng vợ.
Từ đó, hễ đám lễ nào có giết bò, hoặc nhà nào săn được bò rừng thì anh không dám đến lễ ấy, đến nhà ấy nữa. Vì ai nỡ ăn thịt dòng dõi vợ con mình bao giờ?