Truyện ngụ ngôn Chó và cáo
Chó và Cáo là truyện ngụ ngôn ý nghĩa, nhắc nhở chúng ta hãy biết cách đạt được mục đích của mình bằng sự khôn khéo chứ không phải từ những mưu mô thủ đoạn.
“Kẻ cắp gặp bà già”.
– Thành ngữ Việt Nam –
Chó và Cáo thường đi kiếm ăn cùng nhau, chúng phân phối rất ăn ý nên lần nào cũng được no nê.
Một hôm, chúng lại đi kiếm mồi. Nhưng lần này chúng không gặp may, phải mất bao thời gian chúng mới bắt được một con chim nhỏ. Con chim quá nhỏ không đủ cho hai con, chỉ đủ một con. Ai ăn đây? Chó bảo nó mất nhiều sức hơn, Cáo thì nói nó phải đổ bao mồ hôi. Cãi nhau mãi mà vẫn chưa có kết quả.
Xưa nay, Cáo vốn xảo quyệt. Nó cúi đầu ngẫm nghĩ. Rồi tỏ ra nghiêm chỉnh bảo Chó:
– Anh Chó ạ, càng nhìn tôi càng thấy con chim này không binfht hường. Đây là con chim thần, chúng ta không nên tranh giành nữa.
– Cái gì? Chim thần à?
Cáo biết trí thông minh của Chó nổi tiếng khắp nơi, nhưng nó vẫn giả bộ nói:
– Chúng ta không thể đụng vào chim tùy tiện được, phạm phải thần lình chúng ta sẽ xúi quẩy cả năm, làm sao bây giờ? Theo tôi, nên chôn nó đi.
– Đúng như thế. Thượng đế sẽ giáng tội lên đầu chúng ta. – Chó đáp.
Lúc chôn chim, Cáo ta cố ý để lộ hai cái chân chim ra ngoài. Chó biết Cáo làm thế để sau này tìm cho dễ, nhưng vẫn tỏ ra không hiểu. Chó hỏi:
– Để lộ chân chim thần ra ngoài làm gì thế?
– Để bảo vệ chim thần tốt hơn, không cho ai dẫm phải. Anh xem người khác qua đây trông thấy chân chim thần lại không nhanh chân rảo bước sao? – Cáo giải thích.
Mờ sáng hôm sau, Cáo bèn lén đến cầm hai chân chim mà lôi lên, rồi kéo về nhà. Cáo nói với vợ:
– Hãy rán lên đã. Đợi đến đêm chúng ta sẽ ăn, nhưng phải cẩn thận, đừng để nhà Chó trông thấy đấy.
Nói xong, Cáo bố bỏ đi chơi. Phải mất gần một ngày Cáo mẹ mới rán xong chim. Trời xẩm tối, Cáo mẹ cất chim trong một nồi, đậy điệm kỹ càng rồi vờ như không có gì, sang trò chuyện cùng Chó mẹ.
Đêm khuya, khi chẳng còn nhà nào thắp đèn, Cáo bố và Cáo mẹ cũng phải về nhà. Cáo bố dương dương tự đắc nói với vợ:
– Giờ thì chúng ta ăn thịt rán được rồi. Ăn từ từ thôi, không được gây tiếng ồn.
Cáo bố mở vung nồi. Ai ngờ vung bị hở. Nhìn vào trong nồi chẳng còn lấy một mẩu xương chim. Cáo bố ngớ người ra, Cáo mẹ cũng không hiểu, lũ Cáo con càng ngơ ngác.
Chim rán biến đâu mất? Chắc ai cũng đoán ra, chú Chó thông minh đã theo dõi Cáo từ đầu đến cuối. Đợi cho Cáo mẹ rán chim xong bỏ vào nồi, Chó ta vào lấy trộm đêm giấu ở bìa làng.
Mất chim rán, Cáo bố nổi khùng với vợ, rồi trách mình ngu xuẩn không cất kỹ. Cáo bố còn vu cho Cáo mẹ ăn hết. Lũ Cáo con không được ăn thịt chim nhao nhao lên đòi. Cáo mẹ không nói được câu nào.
Nghe bên nhà Cáo ầm ĩ, Chó bố cố tình sang xem, rồi khuyên:
– Nửa đêm rồi, cả nhà còn cãi vã gì nữa?
Cáo mẹ vừa bị một trận mắng tức tối trong lòng, không kìm được, chỉ vào mặt chồng khóc nức nở và nói:
– Chả hiểu ông ấy mang ở đâu về một con chim, bảo tôi rán lên rồi cất vào nồi, ai ngờ lúc định ăn thì đã bị mất. Ông ấy còn vu cho tôi ăn vụng, oan cho tôi quá!
Cáo bố đứng như trời trồng, không nói được câu nào, chỉ mong có lỗ nào mà chui xuống cho đỡ xấu hổ.
Chó bố hoan hỉ mang chim rán về cả nhà cùng ăn. Từ đó, Chó và Cáo không bao giờ đi kiếm ăn cùng với nhau nữa.
Ý nghĩa của câu chuyện Chó và Cáo
Cáo bố nghĩ mình là khôn hơn, nên bày mưu tính kế hòng chiếm đoạt phần ăn cho riêng mình, nhưng không ngờ Chó bố đã biết mưu kế của Cáo bố, nên đã âm thầm hành đồng để cho Cáo một bài học nhớ đời.
Câu chuyện cho chúng ta thấy, dù có mưu mô và xảo quyệt đến mấy thì trong cuộc sống ắt hẳn vẫn sẽ có người khác hơn mình, đúng như câu thành ngữ: “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”.
Người khôn ngoan không đạt mục đích bằng những mưu mô thủ đoạn mà bằng sự khôn khéo, chân thành. Có như thế kết quả đạt được mới thực sự ý nghĩa và được mọi người yêu thương, quý trọng.