Ngày xửa ngày xưa, ở trong rừng, muôn loài sống với nhau rất hòa thuận. Nhưng vào một buổi chiều nọ, Nai tha thẩn đi kiếm ăn. Nó tới bãi hoang nọ, Nai đợi nhặt quả vả. Nhưng không có gió to, vả không rụng. Nai nhìn quả vả chín đỏ trên cành mà thèm. Nai cất bước chán ngán trở về. Chợt có tiếng nói:
– Chớ vội chú Nai! Nai ngơ ngác nhìn quanh chẳng thấy ai, lúc nhìn lên hốc cây trên cành cao thì thấy Cú. Nai ngập ngừng: – Bác gọi tôi ư? – Phải, chú có muốn ăn quả vả không? – Có chứ.
Cú ưỡn bụng ra, mắt lim dim ngái ngủ:
– Chà, tôi ăn nó quá nhiều nên không muốn cất bước nữa. Giá mà chú đến sớm, tôi đã hái cho vài quả.
Kỳ thực Cú chẳng muốn cho Nai đến ăn tranh phần. Nó muốn tất cả quả vả trên cây và cả quả dưới đất nên tìm cách đuổi khéo anh chàng Nai. Làm ra vẻ thân mật, Cú bảo:
– Chú hãy đi kiếm ăn ở nơi khác. Sáng mai, chú đến đây thật sớm, tôi sẽ rung cành cho vả rụng. Đến từ lúc tôi kêu “Kết cóc, kết cóc”.
Nai cảm ơn Cú rồi đi, mừng thầm ngày mai được bữa no.
Bóng tối chưa tan, sương mù dày đặc, trời lạnh thấu xương, mọi vật còn ngủ say cả. Cú đã cất tiếng kêu: “Kết cóc, kết cóc” liền một thôi. Nai sực tỉnh, vội vàng ba chân bốn cẳng chạy vội tới.
Bóng sương lờ mờ, gió lạnh rung cành lau, cành sậy. Tiếng Cú vẫn đổ dồn. Nai đến nơi còn đang ngơ ngác thì bỗng Cú đổi giọng “hok sục! Hok sục!” liên hồi. (hok sục có nghĩa là: Dao đâm, giáo chọc).
Nai tái người, cắm cổ lao mình chạy trốn. Nó vấp ngã làm đổ cây vừng đen, hạt vừng bắn tung toé vào mắt gà rừng kiếm ăn cạnh đó. Gà bị bụi mắt cào tứ tung phá tan cả ổ kiến lửa. Kiến mất tổ chạy lung tung gặp Sóc đang ăn liền châm túi bụi. Sóc đau đớn kêu la ầm ĩ và cắn quàng cắn xiên, cắn đứt cả dây bí đao quả to như cái bồ rơi trúng lưng Trâu đang gặm cỏ. Trâu vừa đau vừa hoảng nghếch sừng lên chạy, chẳng may giẫm phải nàng Cua. Nàng Cua suýt chết bẹp, lấy làm căm lắm, Cua quyết định lên Then kiện.
Then mở toà xử kiện, gọi Trâu lên. Trâu nói:
– Tại Bí đao làm tôi đau quá, giật mình tôi chạy bạt mạng.
Bí bị gọi lên, há miệng nức nở:
– Chính Sóc đã cắn đứt cuống dây nên tôi bị toác cả đầu thế này.
Sóc bị điệu đến, nó ấm ức:
– Tại Kiến đốt tôi đau quá, tôi cắn lung tung.
Then bực mình:
– Chà, tệ quá! Chúng bay loạn thật, vậy cái Kiến đâu?
Kiến bị Then quát:
– Sao mày đốt Sóc?
Kiến đáp:
– Tổ chúng tôi bị Gà phá, ức quá chúng tôi làm càn.
Đến lượt gà, Gà thưa:
– Tôi đâu muốn làm vậy, tại Vừng bắn vào mắt tôi.
Vừng khai:
– Tôi không muốn thế. Tại Nai đè giập người tôi.
Nai được gọi lên, nó thong thả bước vào:
– Già Cú tai ác đánh lừa tôi. Nó gọi tôi đến nhặt quả Vả rồi hô người lấy dao đâm. Trong lúc hoảng sợ chạy trốn, tôi chạy thục mạng nên vấp phải bác Vừng.
Then giật mình:
– À, thế ra mọi việc đều tại Cú.
Cú bị trói dẫn tới phơi trần bộ mặt gian ác, tham lam hại bạn, nó đã phải nhận hình phạt thích đáng.
Mắt cú từ ngày ấy vàng khè vì bị đóng đinh, cổ bị bẻ nên lúc nào cũng lệch. Vì xấu hổ với bạn bè nên Cú không dám đi kiếm ăn ban ngày. Từ đó đến nay, Cú chỉ đi kiếm ăn vào ban đêm, gặp Cú ai cũng ghét và cho rằng Cú toàn đem lại những điều xúi quẩy.
Ý nghĩa sự tích chim cú mèo
Sự tích chim cú mèo đã giải thích lý do tại sao chim cú mèo chỉ đi ăn đêm. Qua truyện cổ tích các em thấy, chim cú mèo vì tham lam, ích kỷ nên đã phải nhận hình phạt thích đáng. Vì xấu hổ, nên từ đó trở đi cú mèo chỉ dám đi kiếm ăn vào ban đêm.